Rất nhiều hội, nhóm cùng sở thích đi phượt ra đời mà không cần có người kiểm soát và ai cũng có thể tùy thích đứng ra tổ chức chuyến đi, tuyển chọn bạn đi cùng. Điều gì sẽ xảy ra khi bạn chọn nhầm bạn đồng hành trên đường đi phượt? Hãy cùng lưu ý những dấu hiệu sau.
1. Ưu tiên bạn đồng hành là người quen.
Bạn phải biết về người sẽ đi cùng, điều đó phần nào đảm bảo rằng bạn sẽ an toàn, vui vẻ trong hành trình du lịch. Tuy vậy, điều này cũng sẽ hạn chế trong việc mở rộng mối quan hệ tìm kiếm bạn bè, nhất là một nửa của riêng mình. Nhưng không vì điều đó mà bạn dễ dàng tham gia một nhóm đi bất kỳ, phó mặc chuyến đi cho xế hoặc trưởng đoàn.
“Chọn bạn mà chơi” luôn đúng, và rất đúng trong những hành trình đi phượt. Niềm vui đôi khi không phải ở đích đến, mà ở chính trên chặng đường bạn đi với những người bạn đường tin cậy và tâm đầu ý hợp.
2. Không nên tham gia một đoàn quá đông.
Nếu đi phượt bằng xe máy, hãy chọn nhóm đi với nhiều nhất từ 10-12 người. Nếu đi làm từ thiện, giao lưu, đi biển thì số thành viên nhóm cũng không nên quá 30 người. Nếu đi nước ngoài, hãy chọn nhóm dưới tám người và đảm bảo bạn biết ít nhất về một vài người trong số họ hoặc được bạn bè thân thiết bảo lãnh.
Rõ ràng đoàn quá đông sẽ không có cơ hội để tiếp xúc, giao lưu hay chuyện trò làm quen với nhau. Thay vào đó, các mâu thuẫn và bất đồng ý kiến sẽ nhiều hơn, dễ xảy ra tranh chấp và bất hòa.
Và cũng rất rõ ràng là không một trưởng đoàn nào có thể chuẩn bị tốt cho một nhóm đi quá đông mà không có sự trợ giúp của các thành viên khác. Người tốt vẫn có, nhưng nếu có ai đó “ôm” tất cả công việc như thiết kế cung đường, đặt khách sạn, đồ ăn, thu tiền thì bạn nên đặt dấu hỏi?
Có không ít người hiện đang lợi dụng cái mác “tìm bạn đồng hành” để thu lợi bất chính bằng cách gian lận chi phí, tiền thừa không trả lại cho đoàn. Hãy nói không với đoàn quá đông và nói không với trưởng đoàn liên tục tổ chức các chuyến đi, lập nhóm 2 - 3 lần/tháng và tháng nào cũng xuống biển, lên rừng. Nói không với trưởng đoàn kiêm thủ quỹ, dễ xảy ra các vấn đề không minh bạch.
3. Không nên ỷ lại
Không nên ỷ lại vào các thành viên trong đoàn mà hãy cùng tham gia trao đổi, bàn bạc, đóng góp ý kiến để tìm được tiếng nói chung cho cả nhóm. Việc này cũng giám sát trưởng đoàn, thủ quỹ, tránh được các hành vi gian lận chi phí.
Hãy ước tính số tiền trước chuyến đi, nếu nhiều hãy đóng góp thành nhiều đợt cho phù hợp, không nên đóng cả một khoản lớn cho một người giữ.
Nếu đoàn đông nên luôn có hai người cùng chi tiêu và ghi chép. Tính toán và trả lại tiền thừa cho đoàn, hoặc chọn giải pháp phù hợp cho số tiền thừa nhưng nhất thiết phải minh bạch và được sự đồng ý của cả nhóm ngay trước khi hành trình kết thúc và các bạn chia tay nhau ai về nhà nấy.
Điều này đặc biệt quan trọng với nhóm, hội có ít tính kết nối và mọi người không mấy thân quen gì nhau. Một số nhóm cùng đi du lịch nước ngoài còn chọn giải pháp chia tiền vào cuối ngày, dứt điểm chuyện tiền bạc, tránh vì xích mích không đáng có này mà làm ảnh hưởng đến tinh thần chuyến đi.
Nguồn ảnh: Internet
Tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét