Ông bà cha mẹ chúng ta thường nói coi TV chơi game suốt ngày là không lành mạnh, nhưng đã từng tồn tại những hình thức giải trí còn ghê rợn hơn cả như vậy nữa.
1. Theo dõi án mạng
Những người nổi tiếng đời đầu đa số đều là tội phạm và mọi người luôn dành ra rất nhiều thời gian và công sức để theo dõi tiểu sử cũng như những câu chuyện của các tên tội phạm hàng đầu, từ sát nhân, cướp ngân hàng đến mọi loại tội phạm khác. Dân chúng thời đó sẽ khám phá từng chi tiết nhỏ và hy vọng sẽ được thấy một trò giải trí đẫm máu hoặc những hình ảnh của một hiện trường vụ án.
Pat Garrett, người đã hạ Billy the Kid thậm chí đã phải viết và đăng tải câu chuyện từ góc nhìn của mình sau khi có quá nhiều người mua cuốn tiểu thuyết 15 xu khen ngợi và thần tượng Billy. Garrett phải nhấn mạnh rất nhiều lần trong báo cáo của mình rằng Billy là một kẻ trộm và sát nhân.
Nơi mà cảnh sát mai phục Bonnie và Clyde đã trở thành một rạp xiếc hỗn loạn của những con dân mê án mạng sau khi cặp đôi tội phạm bị giết. Một người phụ nữ đã trốn thoát được sau khi lén lấy một mẩu tóc của Bonnie để đem đi bán đấu giá. Còn một người đàn ông đã bị đuổi đi sau khi cố gắng cắt ngón tay Clyde.
Hầu như mọi người đều cố gắng lấy một mảnh gì đó để làm đồ lưu niệm, bất cứ thứ gì họ có thể giành giựt được: Mẩu đạn, kính từ cửa xe bị vỡ, và những mảnh quần áo có dính máu của Bonnie và Clyde. Một người đàn ông hăng hái đến mức ông lôi con dao bỏ túi ra và định cắt tai trái của Clyde.
2. Le Grand Guignol
Vào năm 1897, Oscar Méténier khai trương rạp hát của mình, Le Grand Guignol. Mặc dù gây khá nhiều tranh cãi khi tuyển dụng những người như gái ngành, tội phạm và những loại người thấp hèn khác của xã hội, Méténier vẫn cứ bảo cảnh sát hãy bình tĩnh đi. Rồi rạp hát Guignol lại tiếp tục tạo thêm tiếng vang khi thêm những cảnh gớm ghiếc, dị hợm vào các tác phẩm của họ.
Những vở kịch như Le Laboratoire des Hallucinations (Phòng thí nghiệm ảo giác) và Le Baiser dans la Nuit (Nụ hôn trong đêm) thường thu hút đám đông khá lớn, khoảng 250 người mỗi lần diễn, bao gồm cả những người thuộc giới quý tộc và siêu sao đến xem. Trong những vở kịch này, các diễn viên và cảnh mở đầu đều rất máu me, kinh dị, đôi khi chứa những cảnh cắt xẻ cơ thể.
Trong một vở kịch nọ, bác sĩ thấy vợ mình đang ăn nằm với một người đàn ông khác trên bàn mổ, rồi ông quyết định dùng axit có sẵn ở đó để làm biến dạng cả hai người.
Có một cảnh nổi tiếng của rạp Guignol về một người đàn ông siết cổ một người phụ nữ đến chết rồi sau đó chặt 2 tay cô, nhưng rồi phát hiện là thật ra cô vẫn chưa chết. Tất cả những cảnh này không hề che đậy gì cả, khán giả được thấy toàn cảnh mọi thứ từ máu me đến những cơ thể bị biến dạng.
Rạp Guignol tiếp tục công chiếu các vở kịch của mình cho đến năm 1962. Khi khán giả dần dần vơi bớt, họ cũng không thể tiếp tục đầu tư và buộc phải đóng cửa. Mặc dù đạo diễn lúc đó đổ lỗi cho Thế Chiến thứ hai vì lượng khán giả giảm đi, nhưng nhiều chuyên gia phân tích lại cho rằng vì họ đang cắt bớt lại những cảnh gore nên khán giả mới không còn hứng thú với Guignol.
3. Du lịch khu ổ chuột
Vào năm 1884, một trend kì lạ bắt đầu xuất hiện, người giàu trả một số tiền cực kỳ lớn để được dắt đi tham quan những khu ổ chuột trong thành phố. Những thị trấn như White Chapel ở London, Five Points ở Manhattan, và Mumbai ở Ấn Độ trở nên rất nổi tiếng cho loại hình du lịch độc đáo này.
Mặc dù ban đầu được công khai rao bán cho mọi người ở mọi tầng lớp, nhưng mọi người đã sớm nhận ra rằng đây chỉ là một cách để lũ nhà giàu thêm thỏa mãn với sự giàu có của mình, bằng cách tận mắt thấy cuộc sống cùng cực của người khác.
Nghe thì có vẻ ghê rợn, nhưng hình thức du lịch này vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay. Bạn vẫn có thể book những tour du lịch đi Mumbai, Dharavi, Charleroi, Belfast, và những khu vực còn nghèo khó khác.
4. Bảo tàng 1 xu
Ngoài bề mặt, cái cách mà dịch vụ này được quảng bá là Hình thức giải trí dành cho tầng lớp lao động với mục đích phổ cập kiến thức về thế giới xung quanh, nhưng những bảo tàng 1 xu thật sự chỉ là cách để cho những người nghèo có chút giải trí không lành mạnh. Khi nói đến bảo tàng của tầng lớp trung lưu và thượng lưu hồi đó, chúng cũng y hệt như những bảo tàng mà chúng ta thường thấy ngày nay. Vậy thì có gì trong những bảo tàng 1 xu cho những người nghèo? Chúng thực chất chỉ là một phần nhỏ của các gánh xiếc, chứa những thứ chẳng ai muốn xem như Tiên cá Fee Gee. Nhưng cũng nhờ những chốn thế này mà chúng ta mới có được những người làm giải trí vĩ đại như Harry Houdini, Maggie Cline và nhiều người khác.
Mặc dù hình thức này đã rất cũ kĩ rồi nhưng hiện tại vẫn còn khá nhiều những bảo tàng 1 xu vòng quanh thế giới: The International Cryptozoology Museum ở Portland, Maine, The Museum of Death ở Los Angeles, và The Monroe Museum ở Lexington, Kentucky.
5. Picnic ở nghĩa trang
Đầu thế kỉ 19 là lúc mà mọi người đang rất tuyệt vọng tìm cách giải trí bản thân và sẽ thử gần như mọi thú vui có thể, trong đó có cả đến ngồi chơi với người quá cố và ăn trưa chung với họ.
Vào thời đó, nghĩa trang thường rất đẹp, cỏ cây xanh mát, khu vực được bảo trì tốt. Và vì khái niệm công viên vẫn chưa ra đời nên những nghĩa trang mặc định là nơi tốt nhất để tận hưởng một ngày đẹp trời.
6. Du lịch nhà thương điên
Mặc dù có thể được xem là khá giống với du lịch khu ổ chuột, nhưng du lịch nhà thương điên sau này lại trở thành một thứ khá tích cực.
Vào những năm 1800, trong những tờ rơi thường có đề cập đến việc tham quan những nhà thương điên địa phương. Những tour du lịch này thường có mục đích cho những vị khách thấy được mặt tối của thế giới mà họ đang sống.
Nhưng khi thế kỷ tiếp theo đến, mục đích của những chuyến viếng thăm nhà thương điên chủ yếu là để xem sự tiến bộ trong phương pháp điều trị và những loại thuốc mới. Những điểm dừng của các tour du lịch này cũng thay đổi. Thay vì dừng lại để chiêm ngưỡng những thứ tệ nhất của loài người, du khách sẽ được đến thăm những tòa nhà mới của bệnh viện, nơi chứa thuốc, nơi nghiên cứu, phòng họp bác sĩ,…
Có một vài nơi không ủng hộ việc du khách đến thăm vì họ cảm thấy rằng có người lạ đến sẽ làm cho đội ngũ nhân viên bị phân tâm và không hoàn thành công việc được. Nhưng phần đông dân chúng đều muốn những tour du lịch này tiếp tục phát triển để mọi người đều có thể có một cái nhìn mới về những căn bệnh tâm lý, cũng như một cách để giáo dục, phòng ngừa bệnh tâm lý và hiểu được sống chung với bệnh tâm lý là thế nào.
7. Săn phù thủy
Săn phù thủy đã bắt đầu xuất hiện kể từ khi con người cần một thứ để đổ lỗi. Những thứ như thời tiết khô hạn, con cái, gia súc bị ốm đều được gom lại và đổ hết lên đầu của "phù thủy". Mặc dù việc đổ lỗi và chửi bậy đã tồn tại từ rất rất lâu về trước, nhưng mãi đến thế kỉ 16, việc hành hình những người bị gắn mác phù thủy mới bắt đầu trở nên đáng sợ và thu hút nhiều sự chú ý hơn.
Dân chúng thường tụ tập lại với cái cớ “nghĩa vụ công dân” để xem bà phù thủy tung hô bùa chú, còn những “nạn nhân” sẽ giả vờ la hét đớn đau. Thời này thật sự như là một gánh xiếc điên loạn và rất khó để xem. Hàng nghìn người vô tội đã bị sát hại trong suốt thế kỷ thứ 16 và 17 mặc dù họ chẳng làm gì hơn là trồng trọt và lo sống cuộc sống của mình. Tất cả những mạng người vô tội này, chỉ vì dân chúng không thể tìm được thứ gì hay ho hơn để làm.
8. Đấu chó
Hình thức giải trí này có thể truy ngược về thời người La Mã xâm lược Anh, khi người La Mã thấy sự hung hăng ở những giống chó Anh, họ bắt đầu dùng chúng để cá cược.
Vào thế kỷ 12, loại hình giải trí này đã trở nên phổ biến đối với tầng lớp thượng lưu, họ thả chó ra trong một chiếc lồng lớn chung với một con thú khác lớn hơn, và xem chúng đánh lộn. Ngoài ra, cũng có những hình thức cá cược động vật khác như đấu gà. Lâu dần, hình thức giải trí này có mặt ở khắp nơi chứ không riêng gì ở Anh nữa.
Vào những năm 1860, đa số các bang ở Mỹ đều cấm các hình thức đấu chó cũng như các động vật khác vì sự vô nhân tính của việc này. Các nước khác cũng bắt đầu có các đạo luật nghiêm cấm hành vi bạo lực ở thú vật.
Nhưng ngày nay, đây vấn còn là một vấn nạn lớn, các nước như Trung Quốc, Afghanistan, Pakistan, Nga vẫn còn đấu chó, và các cơ quan chức năng phải thiết lập nhiều đợt bắt giữ để giảm thiểu tối đa tình trạng này, nhưng vẫn còn chưa hiệu quả.
9. Hành hình công khai
Nguồn gốc chính thức của cuộc hành hình công khai đầu tiên ở đâu và vào khi nào thì không ai biết được. Nhưng nhiều người tin rằng đây là cách mà chính phủ, những người đứng đầu thời của họ thể hiện quyền lực của mình. Điều duy nhất mà không ai ngờ tới là những cuộc hành hình công khai lại mang đến không khí vui tươi như lễ hội đối với nhiều người.
Thật vậy, không khí ở những buổi hành hình công khai không khác gì một lễ hội. Mọi người tập trung lại, nghe tên tử tù nói những lời cuối cùng, họ mua đồ ăn, đồ uống ở những quầy ven đường, và rỉ tai nhau những câu chuyện về tên sát nhân đang đứng trên kia.
Nguồn: tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét