Nhắc tới Hà Giang bạn sẽ nghĩ ngay tới hoa tam giác mạch nhưng bên cạnh đó còn có một mùa lúa chín vô cùng đẹp mắt. Nếu bạn là những người ưa mạo hiểm, thích chinh phục và khám phá thì đừng bỏ qua Hoàng Su Phì nhé. Không chỉ có cảnh núi non hùng vĩ, những cánh đồng ruộng bậc thang bạt ngàn vào mùa lúa chín, Hoàng Su Phì còn là nơi có rất nhiều món ăn đặc sản lạ lùng thu hút du khách khám phá.
Thịt chuột La Chí
Vào mùa lúa chín khi bắt được nhiều chuột người đồng La Chí thường chế biến các món ăn từ chuột rất thơm ngon. Chuột được nhúng vào nước sôi, vặt lông, đem đi thui rồi lột bỏ nội tạng trộn cùng các gia vị đặc trưng khác như thảo quả, tiêu rừng…rồi đem nướng trên bếp than. Nghe có vẻ khá kinh dị nhưng nếu được thưởng thức món thịt chuột đồng này một lần chắc chắn bạn sẽ không thể nào quên hương vị thơm ngon, dai, ngọt của chúng.
Khi bắt được quá nhiều chuột ăn không hết thì người dân La Chí lại làm món khô chuột để ăn dần hay còn gọi là chuột treo gác bếp với cách làm tương tự như món thịt trâu gác bếp. Nếu có dịp tới đây bạn đừng bỏ lỡ đặc sản nổi tiếng ở Hoàng Su Phì này nhé, rất tuyệt đó.
Thịt chuột được chế biến thành vô vàn món khác nhau, trong đó phổ biến nhất là món thịt chuột nướng và chuột treo gác bếp.
+ Thịt chuột nướng
Chuột được nhúng nước sôi, vặt lông, dùng que xiên qua rồi thui bằng rơm nếp vàng ruộm. Sau đó người ta làm sạch nội tạng, rửa sạch rồi xát mắm muối, thảo quả, tiêu rừng cùng một số gia vị khác rồi mới kẹp vào que và nướng trên than củi. Các gia vị ướp vào khiến cho món thịt chuột nướng thơm lừng. Tới khi chín thì bỏ ra ăn ngay giữa nhà, cả nhà quây quần.
+ Thịt chuột treo gác bếp
Chuột sẽ được làm sạch sẽ, ướp gia vị rồi treo lên gác bếp. Với người La Chí nói riêng và người dân tộc thiểu số nói chung, bếp được đốt ngày đêm, khi đó lửa và khói sẽ làm cho thịt chuột khô lại, cứng như khúc củi, có thể để được cả năm trời, khi nào ăn thì gỡ ra. Hoặc người ta cũng có thể ăn thịt chuột khô bằng cách vùi vào tro nóng rồi dùng chày đập xơ ra, mang chấm muối tiêu. Một cách khác là ngâm nước sôi cho nở ra, ướp gừng, hành tỏi rồi bỏ vào xào.
Cháo ấu tẩu
Đến với Hà Giang, đặc biệt là Hoàng Su Phì các bạn có thể sẽ được thưởng thức món cháo ấu tẩu thơm ngon bổ dưỡng. Cháo ấu tẩu có cả bốn mùa và chỉ bán vào buổi tối. Theo kinh nghiệm lâu năm của những người dân ở đây, cháo có tác dụng tốt nhất qua giấc ngủ đêm. Bát cháo ấu tẩu cũng như vị thuốc thần giúp xoa tan mệt nhọc của một ngày để có một giấc ngủ sâu và khoan khoái hơn.
Nấu được bát cháo cũng cầu kỳ và nhiều công đoạn. Củ ấu tẩu được ngâm kỹ trong nước vo gạo đặc một đêm, sau đó rửa sạch và ninh hơn 4 giờ, tới khi củ mềm, bở tơi. Gạo tẻ thơm, trộn ít nếp cái hoa vàng cho cháo đặc sánh.
Bột củ ấu tẩu được nấu lẫn gạo và nước dùng ninh từ chân giò lợn. Cuối cùng khi bắc ra, thêm trứng gà, ớt, tiêu, hành, rau mùi dậy lên mùi thơm ngọt ngào, chút tía tô tăng tác dụng giải cảm của bát cháo. Vị ngon của cháo còn phụ thuộc bí quyết của từng nhà hàng.
Bánh tam giác mạch
Bánh mềm xốp, cần nhấm nháp thật chậm để cảm nhận vị ngọt thanh thanh lan tỏa. Không quá mướt mát như bột gạo, bột tam giác mạch thoáng vị bùi, phảng phất chút hăng đặc trưng của cây rừng.
Bánh được hấp chín trên bếp lửa, khi đến tay người mua vẫn còn nguyên hơi ấm. Tấm bánh to chừng hai bàn tay người lớn giá 10.000 đồng. Người Mông đi chợ phiên thường mua bánh tam giác mạch để ăn cùng thắng cố, như cách họ ăn bánh ngô, bánh gạo hay xôi bảy màu.
Nguồn: tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét