Bài viết phổ biến

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2019

Người Trung Quốc làm gì trong ngày lễ Thất Tịch

Trong khi, ngày lễ tình nhân được tổ chức ở nhiều quốc gia phương Tây vào ngày 14/2 dương lịch, Lễ Thất Tịch vẫn được trang trọng coi như Valentine của Trung Quốc... Lễ Thất Tịch là ngày 7/7 Âm lịch, có lịch sử hơn 2000 năm, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và trở thành nét văn hóa đáng tìm hiểu trước khi du lịch Trung Quốc.

Người Trung Quốc làm gì trong ngày lễ Thất Tịch

Ban đầu, lễ Thất Tịch nhằm thể hiện sự kính trọng của nhân dân, tinh thần tôn thờ trước thiên nhiên và sự cao cả của những người phụ nữ giỏi giang.

Sau này, nó trở nên lãng mạn khi gắn liền với một câu chuyện dân gian phổ biến về một tình yêu bi kịch giữa một chàng chăn bò nghèo và nàng tiên nữ.

Một dấu ấn của tình yêu vĩnh cửu


Một dấu ấn của tình yêu vĩnh cửu

Câu chuyện kể rằng, một chàng chăn bò mồ côi tên là Ngưu Lang, đem lòng yêu một nàng tiên tên Chức Nữ. Họ kết hôn, sinh ra hai đứa con và chung sống hạnh phúc trong một vài năm..

Tuy nhiên, Vương Mẫu nương nương biết chuyện gái mình đã kết hôn với chàng trai hạ giới đã vô cùng tức giận. Bà phái thiên binh nhà Trời xuống bắt nàng Chức Nữ.

Ngưu Lang không từ bỏ, quyết lên tận cổng Thiên đình tìm vợ. Vương Mẫu rất tức giận, liền tạo ra một dòng sông khổng lồ trên bầu trời để chia tách hai người như một sự trừng phạt nghiêm khắc.
Nhưng tới một ngày, các con quạ thấy thương cảm mối tình của hai người và chúng bay lên trời để làm cầu Ô Thước để đôi vợ chồng có thể gặp nhau trong một đêm, là đêm thứ bảy của tháng Bảy âm lịch.

Câu chuyện tình yêu cảm động này thường được kể lại vào dịp lễ Thất Tịch và cũng để bày tỏ mong muốn, khát khao của những tác giả dân gian đối với tình yêu thuần khiết.

Thi tài nữ công gia chánh


Thi tài nữ công gia chánh

Phong tục đầu tiên trong ngày Thất tịch ở Trung Quốc chính là luồn kim. Phong tục này được bắt đầu từ thời nhà Hán và lưu truyền mãi tới sau này. Tương truyền vào tối ngày 7 tháng 7, các cô gái sẽ ngồi dưới ánh trăng, thi tài xem ai đủ khéo léo để luồn chỉ qua kim 7 lỗ, kim 9 lỗ, cô gái nào thắng cuộc sẽ là niềm tự hào của cả gia đình, bởi có tài nữ công tuyệt hảo. Phong tục này không chỉ lưu truyền trong dân gian mà còn được người trong Cung đình cùng tổ chức hàng năm.

Đó là phong tục thi tài bằng thực lực, có một phong tục khá kì lạ nữa xuất hiện sau đó là thi xem nhện ai giăng tơ nhiều nhất, xuất hiện vào thời Nam Bắc triều. Ngày 7 tháng 7, các cô gái sẽ đem bắt nhện bỏ vào trong hộp, đến sáng hôm sau thì cùng mở ra xem, ai mà nhện trong hộp giăng kín tơ thì là người khéo nhất. Cũng có nơi tiêu chí lựa chọn lại hơi khác, đó là xem mạng nhện của cô gái nào tròn trịa, ngay ngắn thì mới trao giải cho người đó.

Đến đời nhà Minh, nhà Thanh, người dân Trung Quốc lại sáng tạo ra một cách thi tài khác trong ngày Thất tịch, được biến thể từ phong tục luồn kim xa xưa. Vào ngày 7 tháng 7, các cô gái sẽ đem đặt một bát nước dưới trời nắng, sau đó thả kim vào bát. Kim nổi lên trên mặt nước, lại nhìn bóng kim soi xuống đáy bát có hình dạng ra sao. Nếu xòe tựa bông hoa, trôi tựa mây, mỏng như sợi chỉ hoặc in hình cái kéo, cái chùy thì người đó được mệnh danh là người khéo léo nhất.

Trồng cây cầu tự


Trồng cây cầu tự

Theo phong tục thời xưa, vào mấy ngày trước lễ Thất tịch, phụ nữ muốn cầu tự thì rải một lớp đất vào khay gỗ nhỏ, vùi hạt dẻ vào trong đó, đợi khi nó nảy mầm thì dựng vài căn nhà nhỏ bằng rơm rạ như đồ chơi, rồi trồng thêm hoa cỏ xung quanh đó, làm thành mô hình như một thôn làng nho nhỏ. Cũng có thể đem hạt đỗ xanh, hạt thóc, hạt lạc ngâm vào bát nước rồi đợi nó nảy mầm, rễ và mầm cây quấn quýt với nhau. Mầm cây xanh tươi tốt như ước vọng về con cái, mong chờ đón thiên thần bé nhỏ về nhà với mình.

Phơi sách phơi áo


Phơi sách phơi áo

Theo sách xưa chép lại, năm đó Tư Mã Ý nắm quyền cao chức trọng trong tay nên phải chịu rất nhiều nghi kị từ Tào Tháo. Giữa bối cảnh chính trị đen tối như vậy, ông bèn giả điên giả dại trốn trong nhà để tự bảo toàn tính mạng. Ngụy Vũ Đế bán tín bán nghi bèn phái Lệnh sử thân tín âm thầm điều tra chân tướng. Đến ngày Thất Tịch 7 tháng 7, Tư Mã Ý khi ấy giả điên ở nhà nhưng theo lệ xưa vẫn mang sách ra phơi. Viên Lệnh sử về bẩm báo lại với Ngụy Vương, Ngụy Vương liền hạ lệnh yêu cầu Tư Mã Ý về triều nhậm chức, nếu chống lại thì áp giải về triều. Tư Mã Ý chỉ đành tuân mệnh.

Qua đó có thể thấy tục phơi sách vào ngày Thất Tịch đã có từ rất lâu đời. Còn tục phơi áo bắt đầu xuất hiện vào thời Ngụy Tấn, là cơ hội để nhà giàu, quý tộc phô trương sự giàu có của mình.

Bái Chức Nữ


Bái Chức Nữ

Đây là tục lệ dành riêng cho nữ giới. Các cô gái hẹn trước với bạn bè, hàng xóm của mình, ít thì 5-6 người, đông thì mười mấy người, cùng nhau làm lễ. Nghi lễ được tiến hành vào buổi tối, dưới ánh trăng. Người ta đặt một chiếc bàn ra giữa đất trời, lại bày thêm các đồ tế lễ như trà, rượu, hoa quả, ngũ tử (quế, táo đỏ, bảng tử, lạc, hạt dưa), cắm một bình hoa tươi, trước bình hoa đặt một bình hương nhỏ. 

Các cô gái tham gia tế lễ đứng vây quanh trước bàn, vừa ăn ngũ tử, vừa ngắm sao Chức Nữ, trong lòng thầm ước nguyện những chuyện mình muốn. Các thiếu nữ chưa chồng thì mong mình được xinh đẹp, lấy được lang quân như ý, các thiếu phụ thì mong sớm sinh quý tử, gia đình hạnh phúc. Buổi lễ tiến hành đến nửa đêm thì kết thúc.

Làm lễ Từ tiên


Làm lễ Từ tiên

Quảng Châu, thông thường phụ nữ đã có chồng sẽ không được tham gia lễ Bái tiên, nhưng cô dâu mới cưới thì vào lễ Thất tịch đầu tiên sau khi cưới sẽ phải tổ chức nghi lễ “Từ tiên”. Nghi lễ sẽ được tiến hành vào đêm hôm trước Thất tịch, tức đêm ngày 6 tháng 7, ngoài các lễ vật như gừng muối, trứng (mang ý nghĩa cầu sớm sinh quý tử) thì còn phải có cả các loại lê nữa. Trong tiếng Hán, lê đồng âm với ly trong ly biệt, ngụ ý đây là lễ từ biệt thời con gái.

Nhuộm móng tay


Nhuộm móng tay

Đây là phong tục Thất Tịch được lưu truyền ở dải Tây Nam Trung Quốc, ở các nơi khác như Tứ Xuyên, Quý Châu, Quảng Đông người ta cũng có lệ nhuộm móng tay vào ngày này. Các cô gái trẻ thích dùng các loại hoa cỏ tự nhiên để nhuộm móng tay, vừa để đẹp mà cũng là để chơi đùa, đồng thời phong tục này cũng có mối liên hệ mật thiết đối với tính ngưỡng sinh sản của người Trung Quốc.

Gội đầu lấy may


Gội đầu lấy may

Phụ nữ gội đầu vào lễ Thất Tịch cũng là một phong tục rất độc đáo ở Trung Quốc. Sách xưa có ghi, ngày 7 tháng 7, phụ nữ sẽ dùng lá bách, cành đào đun nước để gội đầu. Điều này có lẽ liên quan đến tín ngưỡng “nước thánh” ngày Thất Tịch.

Người ta cho rằng Thất tịch là ngày mà nước suối, nước sông được thần tiên bảo trợ, lấy nước đó thì cũng tựa như lấy nước ở sông Ngân Hà, có tác dụng thanh tẩy thần thánh. Có nơi còn gọi việc lấy nước lễ Thất Tịch là lấy “Thiên Tôn Thánh Thủy”, nước thánh của Thiên Tôn (tức Chức Nữ).

Phụ nữ gội đầu vào ngày này cũng có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, tượng trưng cho việc dùng nước thánh ở sông Ngân Hà để thanh tẩy cơ thể, nhờ đó được nữ thần Chức Nữ phù hộ độ trì. 

Nhiều nơi trên Trung Quốc, các cô gái trẻ thích dùng nước nhựa cây để gội đầu, tương truyền làm vậy sẽ giữ mãi được vẻ xinh đẹp và tuổi thanh xuân. Các cô gái chưa chồng mà làm vậy thì còn có thể nhanh chóng tìm được đức lang quân như ý.

Người ta còn cho rằng những giọt sương vào ngày Thất Tịch là giọt nước mắt của Ngưu Lang Chức Nữ khi hội ngộ bên nhau. Ngày 7 tháng 7, người ta sẽ lấy chậu để hứng sương sớm, dùng nước sương đó xoa lên mắt lên tay thì có thể làm cho mắt tinh anh, tay khéo léo.

Nguồn: tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài viết nổi bật

Những bí kíp khi mang theo flycam đi du lịch

Flycam có thể giúp bạn ghi lại những hình ảnh trong chuyến đi của mình một cách ấn tượng hơn rất nhiều khi chẳng mấy ai có được một bức hìn...