Đấu trường La Mã (hay Đại hý trường La Mã) được xây dựng vào khoảng năm 70 đến 80 sau Công Nguyên. Nó không chỉ là đấu trường theo thiết kế vòng tròn lớn nhất mà còn là biểu tượng của văn hóa nước Ý và kiến trúc La Mã.
Nhờ việc mở rộng thêm những công trình mới trong đấu trường, đây là địa điểm không thể bỏ qua với những người yêu thích kiến trúc, lịch sử và văn hóa. Năm 2018, Đấu trường La Mã chào đón hơn 7 triệu khách tham quan và luôn nằm trong nhóm những điểm du lịch thu hút nhất.
Dù là lần đầu tiên hay lần thứ mười đặt chân đến đây, du khách sẽ khám phá thêm những điều mới mẻ về những trận đấu giữa các võ sĩ hay cuộc sống thời xa xưa của người La Mã. Trước khi tìm hiểu thêm những điều sâu xa về đấu trường nổi tiếng này, có 5 điều cơ bản bạn cần nắm rõ.
1. Tên “khai sinh” của Đấu trường La Mã
Khi đấu trường mới xây dưới thời trị vì của Hoàng đế La Mã Vespasian, ông đã đặt tên nó theo tên của dòng họ là Flavius. Sau này, đấu trường được đổi thành Colosseum hay Colosseo, bắt nguồn từ tên bức tượng khổng lồ Colossus của Hoàng đế Nero.
Vespasian qua đời trước khi Colosseum khánh thành. Sau khi con trai ông là Titus kế vị ngai vàng, Titus đã tổ chức buổi lễ kéo dài 100 ngày với nhiều trò chơi, thi đấu giữa các chiến binh hoặc giữa các loài động vật.
2. Hệ thống chỗ ngồi
Đấu trường La Mã có sức chứa lên đến trên 80.000 người và cách sắp xếp hệ thống chỗ ngồi rất có tổ chức.
Hoàng đế và đoàn tùy tùng sẽ có lối đi và chỗ ngồi riêng. Gần đó là khu vực của quan khách, còn dân thường sẽ ngồi trên bậc thang và được sắp xếp dựa vào địa vị, tầng lớp. Ví dụ, phụ nữ sẽ ngồi ở khu vực không có mái che, còn nô lệ sẽ đứng xem ở ngay phía trước. Ở lối vào của đấu trường cũng khắc số để mọi người dễ tìm thấy.
3. Phía sau hậu trường
Ở dưới đấu trường, các chiến binh và động vật đã sẵn sàng cho buổi trình diễn. Có hơn 30 cửa sập được sử dụng cho những yếu tố bất ngờ, ví dụ nó sẽ thành “thang máy” để đưa chiến binh lên sân khấu. Còn phía sau sân khấu là nơi chữa trị vết thương nếu ai đó gặp tai nạn khi thi đấu.
4. Những cuộc thi đấu dưới nước
Bên cạnh những trận đấu giữa các đấu sĩ hay giữa động vật, những cuộc thi đấu dưới nước cũng được yêu thích không kém. Ở Đấu trường La Mã, những đường ống nước ngầm sẽ dẫn nước từ ngoài biển vào đấu trường để phục vụ cho những trận đấu dưới nước. Khi đấu trường tập trung vào việc cải tạo, việc thi đấu dưới nước cũng được tổ chức ở một địa điểm khác.
5. Trường huấn luyện đấu sĩ
Ở Rome, có một số trường huấn luyện đấu sĩ. Trong số đó, Ludus Magnus ở gần Đấu trường La Mã là trường lớn nhất thời cổ đại và hiện nay mới khai quật được một phần.
Các trường huấn luyện đấu sĩ đều có đấu trường nhỏ và đường hầm thông đến Đấu trường La Mã. Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ học cũng khai quật một khu ký túc gồm 14 phòng là nơi ở cho các đấu sĩ trong quá trình huấn luyện.
Nguồn bài: Mymodernmet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét